Thu nhập và Của cải: hiểu lầm nên làm việc hoài mà không dư
PHÂN BIỆT 2 KHÁI NIỆM
Thu nhập (Income) là số tiền thu về / nhận lại của một cá nhân hay gia đình dùng để chi trả các khoản thiết yếu cuộc sống như tiền nhà, các hóa đơn tiện ích, ăn uống và các khoản chi sở thích khác.
Của cải (Wealth) là giá trị tài sản của một cá nhân hay gia đình, có thể tồn tại dưới hình thức tiền tiết kiệm, hay khoản tích lũy từ tiết kiệm, đầu tư, hay thừa kế. Nhà, đất, xe cộ,... được xem là một hình thức của các khoản tích lũy vừa nói. Lộ trình xây dựng của cải thường là tiết kiệm trước, đầu tư sau.
Điểm phân biệt rõ ràng nhất giữa 2 khái niệm này là của cải KHÔNG dành cho việc chi trả các khoản chi hàng ngày, trừ khi khoản thu nhập không đủ bù chi hoặc không còn thu nhập (nhưng lúc này của cải phải chuyển đổi sang thành dạng khác, chẳng hạn tiền mặt, chứ không còn là của cải nữa). Dòng tiền sẽ di chuyển từ phần thu nhập qua của cải, và cứ thế tích lũy dần.
Phần giúp mọi người giàu lên là từ của cải. Cái chúng ta thấy khi nói về người giàu chỉ là thu nhập của họ nên hay bị lầm tưởng rằng giàu có là do thu nhập cao. Nói như vậy là không đủ, thu nhập cao không thể làm giàu nếu không có cơ chế xây dựng của cải.
Một lầm tưởng khác mà tôi quan sát được từ bạn mình là: bạn tôi giao dịch và kiếm lời từ chứng khoán và nghĩ rằng bạn đang xây dựng của cải. Giao dịch chứng khoán là một thực hành trong các hoạt động đầu tư, nhưng nó không đồng nghĩa rằng bạn đang xây dựng của cải. Bạn tôi không đi làm hay có nguồn thu nào khác. Bởi vậy, lợi nhuận thu được từ chứng khoán lúc này thực chất là thu nhập. Chỉ khi nào thu nhập đảm bảo được cuộc sống và có dư để bỏ vào của cải thì khi đó nguồn tiền mới được xem là của cải.
Bởi vì đây là 2 khái niệm khác nhau nên cũng cần có những thực hành khác nhau để đảm bảo tối ưu được tính chất của mỗi phần. Thu nhập cần được tạo ra, quản lý, và đầu tư để tạo ra của cải trong lâu dài.
HỆ QUẢ CỦA VIỆC HIỂU LẦM 2 KHÁI NIỆM
Cho rằng Thu nhập là để chi tiêu
Thu nhập - Chi tiêu = Tiền còn lại
Việc sử dụng nguồn tiền còn lại này sẽ quyết định nó là của cải hay vẫn là thu nhập.
Chi tiêu trước, tiết kiệm sau: Có người chi tiêu (tạm) xong các khoản hàng tháng và để phần tiền còn lại này yên trong tài khoản phòng khi cần dùng hoặc nếu không dùng thì có thể gửi tiết kiệm. Đây là cách mà tôi sử dụng 30 năm qua. Khi kiếm được tiền, tôi luôn nghĩ đến chuyện chi tiêu bởi mục đích kiếm tiền của tôi là để chi tiêu. Tiết kiệm là một khoản có thì tốt không có thì từ từ cũng được.
Tiết kiệm trước, chi tiêu sau: Có người xác định trước phần tiền còn lại này là bao nhiêu và gửi tiết kiệm ngay khi nhận được thu nhập nên tiền đã trở thành của cải trước khi thành khoản chi. (Nhớ là của cải bao gồm tiết kiệm và các khoản tích lũy từ tiết kiệm, đầu tư, hay thừa kế).
Chính tư duy để "chi tiêu trước, tiết kiệm sau" này khiến tôi và có lẽ là nhiều người trong chúng ta rơi vào một cái bẫy cá nhân là cảm thấy lúc nào chúng ta cũng có tiền và luôn sẵn sàng chi tiêu trong khoản đó. Tôi muốn tiết kiệm chứ KHÔNG THỰC HÀNH tiết kiệm. Và vì vậy dẫn đến hệ quả là không có nền tảng xây dựng của cải.
Cho rằng Của cải là một thứ xa vời
Mặc dù "của cải" hoặc "tài sản" là thứ mà ai cũng muốn có nhưng chúng ta đều cảm thấy nó quá xa vời. Đó là bởi chúng ta hình dung của cải là những thứ có giá trị lớn và đánh giá của cải dựa trên con số và độ lớn của con số. Trong khi đó, như tôi đã nói ở trên, của cải bao gồm:
tiền tiết kiệm
các khoản tích lũy từ tiết kiệm, đầu tư, hay thừa kế
Nên nếu tôi tiết kiệm 1 triệu thôi thì về lý thuyết nó đã trở thành của cải. Sau 10 tháng tiết kiệm, nếu người khác có hỏi tôi "tài sản/của cải bao nhiều rồi?" thì tôi có thể trả lời rằng mình có 10 triệu. Và sau đó tôi có thể mang 10 triệu này đầu tư để tạo ra thêm nhiều của cải. Quá trình tích lũy cứ thế càng lâu dài thì của cải càng tăng lên (hoặc cũng có thể giảm đi nếu đầu tư sai). Nhớ là nó chưa phải là về con số, mà là về hành vi - chúng ta có đang xây dựng của cải hay không.
Kết luận
Bởi 2 hệ quả này, tôi đã chi tiêu không tiết kiệm, không có một cuộc sống an toàn về tài chính và luôn tránh né nó, dẫn đến tình trạng tiền kiếm được mà vẫn trắng tay ở tuổi 30. Nhận thức được những điều trên là bước đầu để tôi đi đến hành động cải thiện khả năng tư duy về tài chính cá nhân của mình.
Hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này, hoặc chia sẻ nếu thấy hữu ích nhé!