Sợ mất tiền vì tôi suy nghĩ như một người làm công
Tôi định viết bài cách ngày nhưng chợt nghĩ mai là thứ 6 cuối tuần, có thể mọi người không đọc nhiều nên thôi viết hôm nay luôn.
Ngoài hoàn cảnh túng thiếu làm hoài không dư nói đến ở bài viết trước, một trong những khoảnh khắc tôi nhận ra tư duy hạn hẹp của mình là khi đọc tập 2 của bộ sách “Dạy con làm giàu tập 2” - Robert Kiyosaki (bộ này có 13 tập lận, mà tôi chỉ đọc tập này). Tập 2 là cuốn giới thiệu mô hình thu nhập Kim tứ đồ (Cashflow Quadrant).
Khoan lắc đầu mà hãy cố gắng đọc tiếp, vì trước đây nghe những cụm từ đao to búa lớn này tôi cũng thấy mệt não lắm, nhưng mô hình này thực sự mở mang cho tôi trên hành trình tìm hiểu về tiền.
MÔ HÌNH NGUỒN THU NHẬP KIM TỨ ĐỒ
Kiyosaki giới thiệu mô hình 4 nhóm thu nhập Kim tứ đồ - Cashflow Quadrant, với 4 nguồn:
Làm công - Employee (E)
Làm tư - Self-employed (S)
Chủ doanh nghiệp - Business owner (B)
Nhà đầu tư - Investor (I)
Đây là 4 nguồn thu nhập có thể có của một người.
LÀM CÔNG
Điều tác giả muốn truyền đạt ở đây là hầu hết chúng ta chỉ được chỉ dạy để biết rằng chúng ta có thể có nguồn thu từ bước làm công. Vòng xoáy quen thuộc là "học giỏi để trở thành chuyên gia, và sau này có việc làm". Trong khi đó, thu nhập còn đến từ các nguồn khác.
Nhưng, khi nhận ra mình đang làm công - tức kiếm tiền cho người khác (và đương nhiên là cũng cho bản thân), nhiều người thường khuyên:
"Đừng làm công, hãy làm chủ."
Vấn đề cũng từ chữ LÀM CHỦ này mà ra.
LÀM TƯ VÀ CHỦ DOANH NGHIỆP
Một sai lầm là: mọi người hiếm khi phân biệt 2 khái niệm Self-employed và Business Owner, và có xu hướng đánh đồng 2 khái niệm này bằng 1 từ: làm chủ.
Làm tư là làm chủ bản thân, làm chủ công việc của bản thân.
Chủ doanh nghiệp là làm chủ một hệ thống, hệ thống đó bao gồm con người, máy móc sản xuất, nguyên vật liệu, tài chính.
Nếu lấy cùng 1 hệ quy chiếu là hệ thống thì những nhóm người này được xem xét dưới những vai trò như:
Người nhóm E làm việc cho hệ thống
Người nhóm S tự bản thân là một hệ thống
Người nhóm B tạo ra và kiểm soát hệ thống
Người nhóm I đầu tư tiền vào hệ thống
Khi đưa ra lời khuyên
"Đừng làm công, hãy làm chủ"
hầu hết mọi người vẫn đang nhắm đến vai trò làm chủ ở nhóm S (Self-employed). Nhưng tréo ngoe là kết quả họ mong muốn lại nằm ở nhóm B (Business Owner). Ngoài muốn chủ động trong công việc, họ còn muốn có nhiều thời gian và thu nhập cao.
Thời gian và thu nhập là 2 yếu tố có phần đối nghịch nhau ở vị trí một người nhóm S. Nghĩa là khi người nhóm S ngưng làm việc, tức ngưng sử dụng thời gian của mình vào công việc, thì nguồn thu nhập cũng lập tức bị mất đi. Trong khi đó, việc người nhóm B ngưng làm việc hoặc không dành nhiều thời gian cho công việc ít gây ảnh hưởng đến hệ thống đang tạo ra thu nhập cho họ. Lưu ý là theo các khái niệm này thì các chủ cửa hàng tạp hóa, chủ nhà phân phối tiêu dùng,… vẫn là những người self-employed.
Một lời khuyên "Hãy làm chủ!" có tính khích lệ, nhưng cần hiểu rõ làm chủ kiểu nào mới là điều bản thân mong muốn. Mỗi kiểu làm chủ cần có những yêu cầu và kết quả đầu ra khác nhau.
ĐẦU TƯ
Nhà đầu tư trong mô hình thu nhập này là những người dùng tiền để tạo ra tiền, nghĩa là hầu như không phải bỏ sức để tiền vẫn có thể tự sinh sôi nảy nở.

VẬY BIẾT 4 NGUỒN THU NÀY RỒI SAO NỮA?
Nhận biết được 4 nguồn thu này không có nghĩa là tự trách bản thân, gia đình hay phải bỏ việc để đi làm tư, làm chủ, hay đầu tư, mà là THAY ĐỔI TƯ DUY.
Tư duy của chúng ta phải chuyển dịch từ Cột trái qua Cột phải.
Chúng ta đều có thể làm giàu từ mỗi vị trí chứ không nhất thiết phải dịch chuyển sang các vị trí khác. Nhưng việc cần thiết là phải thay đổi tư duy theo cách mà các Chủ doanh nghiệp và Nhà đầu tư suy nghĩ.
Nếu hệ quy chiếu là tiền thì các nhóm này có thể được xem là:
Người nhóm E và nhóm S bán công sức và thời gian để kiếm tiền
Người nhóm B dùng công sức và thời gian của người khác để kiếm tiền
Người nhóm I dùng tiền để kiếm tiền
Những người ở bên Cột trái thường không biết những người bên Cột phải đang làm gì để tạo ra tiền, nhưng những người bên Cột phải thì biết nguồn thu của những người người bên Cột trái đến từ đâu. Và những người bên Cột phải thường chơi với nhau, dòng tiền cũng chỉ luân chuyển bên này.
Sự thay đổi tư duy ở đây nghĩa là chúng ta cần hiểu cách mà các hệ thống và tiền bạc vận hành, chứ không chỉ có những hiểu biết về chuyên môn công việc.
Một tư duy rất quan trọng cần thay đổi là phải QUẢN LÝ RỦI RO VỀ TIỀN chứ KHÔNG phải giữ tiền. Người nhóm E và S luôn trong tâm thế sợ mất tiền nên luôn tìm kênh an toàn để giữ tiền. Người nhóm B và I học cách quản lý rủi ro nên qua thời gian họ biết được đâu là những nơi có tính an toàn cao/rủi ro thấp để giúp tiền sinh sôi. Bất kỳ ai trong nhóm B và I đều đã từng mất tiền hoặc thất bại trong kinh doanh, nhưng người nhóm E và S nhiều khi lại không hề thất bại trong phạm vi của mình. Không phải tiền, quản lý rủi ro mới chính là thứ chiếm spotlight trong Cột phải.